banner mới

Thứ hai, 08/01/2018

Kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam

Sáng ngày 5/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam (8/1/1930 - 8/1/2018). Tới dự có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh; Vụ trưởng vụ Vật liệu Xây dựng Phạm Văn Bắc; ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam; ông Tống Văn Nga nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cùng toàn thể các thế hệ cán bộ công tác trong ngành Xi măng.

 

 

Sáng ngày 5/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam (8/1/1930 - 8/1/2018). Tới dự có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh; Vụ trưởng vụ Vật liệu Xây dựng Phạm Văn Bắc; ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam; ông Tống Văn Nga nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cùng toàn thể các thế hệ cán bộ công tác trong ngành Xi măng.

 

Dấu mốc đầu tiên của ngành Xi măng Việt Nam là ngày 25/12/1899, nhà máy Xi măng Hải Phòng, nhà máy lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, được khởi công xây dựng. Đến nay đã 119 từ ngày cái nôi đầu tiên của ngành công nghiệp Xi măng Việt Nam ra đời và phát triển. Công nhân xi măng cũng sớm trở thành lực lượng tiêu biểu cho tầng lớp Cách mạng, có tinh thần đấu tranh kiên cường, tham gia vào quá trình hình thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam. 

Ngày 8/1/1930, công nhân nhà máy Xi măng Hải Phòng đã tổ chức cuộc đình công lớn đòi tăng lương, giảm giờ làm, trả lương đúng kỳ, chống đánh đập. Cuộc đình công đã giành được những thắng lợi quan trọng. Giai cấp công nhân nói chung trong đó có công nhân ngành Xi măng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không ngừng lớn mạnh. Để ghi dấu sự kiện này, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 8/1 hằng năm làm ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam.


Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam đọc diễn văn chào mừng lễ Kỷ niệm.

Tại diễn văn chào mừng lễ Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Xi măng, TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam đánh giá trong năm vừa qua, ngành Xi măng đã có những bước phát triển nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước.

Tiêu thụ xi măng nội địa năm 2017 đạt 60,2 triệu tăng không đáng kể so với năm 2016, nguyên nhân chủ yếu do nửa cuối năm tiêu thụ nội địa không những không tăng, còn giảm do ảnh hưởng của thị trường cát xây dựng và mưa bão nhiều. 

Ngược lại xuất khẩu xi măng và clinker lại tăng cao, đạt trên 20 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đầu năm giá xuất khẩu xi măng, clinker xuống đến mức thấp nhất, giá xuất khẩu clinker chỉ khoảng 27 USD/ tấn, cuối năm tăng thêm 5 – 7 USD/ tấn. Hiện nay nhu cầu xuất khẩu clinker tăng rất cao nhưng nguồn cung của Việt Nam còn hạn chế. Trung Quốc là đối tác chính tìm kiếm nguồn nhập khẩu clinker của Việt Nam để xuất sang Châu Phi. Giá clinker của Trung Quốc đang ở mức trên dưới 65 USD/ tấn. Sự thay đổi chính sách của Trung Quốc đang làm thị trường xi măng khu vực biến động khó lường, điều này tác động không nhỏ đến dự thảo Quy hoạch phát triển xi măng do Bộ Xây dựng soạn thảo chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên ngành Xi măng Việt Nam ưu tiên đầu tư, cải tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, kiểm soát chặt việc đầu tư dự án mới. Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xúc tiến, đẩy mạnh việc xây dựng đường bê tông xi măng trên cao để kích thích tiêu thụ xi măng trong nước.

Điều đáng ghi nhận là các dự án xi măng đầu tư xây dựng mới đều là những dự án có công suất lớn từ 5.000 – 6.000 tấn clinker/ ngày trở lên, đặc biệt có những dự án trên 10.000 tấn clinker/ ngày. Các dự án mới có công nghệ hiện đại, thời gian xây dựng ngắn, mức đầu tư thấp, giá thành hợp lý.

Năm 2017, ghi nhận sự thay đổi về chính sách thuế xuất khẩu xi măng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 100/2016/NĐ-CP, theo đó từ ngày 1/2/2018, xuất khẩu xi măng không phải chịu thuế xuất khẩu và được khấu trừ thuế VAT. 

Điều đáng mừng của ngành Xi măng Việt Nam, nhờ làm chủ thị trường tiêu thụ, xác định được thị phần của mình, nên các doanh nghiệp đã cân đối được năng lực sản xuất phù hợp với khả năng tiêu thụ.


Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trường Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng phát biểu.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng đánh giá sản xuất xi măng là ngành công nghiệp được hình thành và phát triển rất sớm ở Việt Nam, tiền thân là nhà máy Xi măng Hải Phòng.

Hiện nay, cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi măng, đạt công suất gần 100 triệu tấn sản phẩm/ năm. Các nhà máy xi măng đang phát triển với công nghệ hiện đại, chủng loại xi măng đa dạng cung cấp chi thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những thành quả lớn mạnh trong những năm qua của ngành Xi măng cả về sản lượng và chất lượng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hiệp hội Xi măng Việt Nam và sự đóng góp của các thế hệ người lao động trong suốt 120 năm qua. Thay mặt lãnh đạo Bộ, ông Bắc đã biểu dương và chúc mừng những thành quả của Hiệp hội Xi măng Việt Nam trong suốt chặng đường vừa qua.

Đây cũng là dịp để những thế hệ cán bộ đã và đang công tác trong ngành Xi măng trên cả nước có dịp ngồi ôn lại những bước phát triển của ngành, tiếp tục cùng nhau xây dựng ngành Xi măng Việt Nam ngày một lớn mạnh.

Kết thúc buổi lễ, thay mặt Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội TS. Nguyễn Hoàn Cầu đã gửi lời chúc năm mới đến các đại biểu tham gia lễ Kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống Xi măng Việt Nam.
 
Một số hình ảnh tại buổi lễ Kỷ niệm:
 



Tiết mục văn nghệ của các CBCNV nhà máy Xi măng hải Phòng.


Nghi thức chào cờ tại lễ Kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam.


Quang cảnh buổi lễ.

Quỳnh Trang (ximang.vn)