ga('create', 'UA-86916407-1', 'auto'); ga('send', 'pageview');
Thứ ba, 01/11/2022
Hiện nay, tình trạng thiếu khí đốt ở khu vực EU đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và thúc đẩy giá than đi lên. Cụ thể, giá than Thế giới sau nhịp điều chỉnh lại tăng vọt lên mức 270 USD/tấn vào ngày 6/9, tăng hơn 40%, gần lấy lại mức đỉnh lịch sử là 275 USD/tấn ngày 28/2/2022.
Cùng với giá than nhập khẩu, giá than trong nước cũng tăng mạnh. Riêng tháng 5/2022, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã có 2 lần tăng giá bán. Tương tự, giá than trộn của Vinacomin trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 30 - 35% so với cùng kỳ năm trước. Việc giá than tăng phi mã đã khiến các doanh nghiệp xi măng gặp nhiều bất lợi khi nguyên liệu này chiếm tới 60% giá thành sản xuất clinker.
Trước áp lực chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phải 3 lần điều chỉnh tăng giá bán từ đầu năm, với biên độ tăng cả 3 lần từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu. Tuy nhiên, mức tăng giá này chưa thể giúp các doanh nghiệp sản xuất xi măng “dễ thở” hơn, buộc doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh năm 2022
Các chuyên gia nhận định, hiện áp lực tiêu thụ ngành Xi măng đang tập trung vào thị trường trong nước do xuất khẩu những tháng vừa qua giảm đáng kể. Dự báo từ nay đến hết năm, xuất khẩu xi măng tiếp tục sụt giảm, bởi thị trường lớn nhất của ngành Xi măng là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid, sẽ giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường khác như Philippines hay Bangladesh đang gia tăng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Đơn cử, Philippines áp thuế chống bán phá giá với xi măng, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu mức thuế trên 10 USD/tấn.
Kênh xuất khẩu suy yếu, bán hàng trong nước chậm do giá xi măng tăng cao dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp không quay được vòng vốn khiến sản xuất ngưng trệ, khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành càng thêm khó khăn. Có thể sắp tới một số nhà máy xi măng phải làm việc lại với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn nhằm giải phóng hàng tồn.
Trong thời gian tới đầu tư công nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong các tháng cuối năm, thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nhóm ngành. Theo đó, các nhóm ngành được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công bao gồm nhóm hưởng lợi trực tiếp như vật liệu xây dựng, thi công và nhóm hưởng lợi gián tiếp như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp. Dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục trong thời gian tới sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ xi măng những tháng cuối năm.